Hương đạo và trầm hương – nghệ thuật của sự thanh tịnh

09:56 13/09/2021

Người Á Đông đa phần đều tin rằng hương thơm của trầm chính là nhịp cầu kết nối giữa hai thế giới: thế giới thực tại và thế giới tâm linh. Làn hương vừa gần gũi, vừa thiêng liêng ấy giúp người ta thanh tẩy tâm hồn và ngẫm ngợi nhiều điều.

Nghệ thuật hương đạo và trầm hương Việt

Cũng giống như trà đạo là nghệ thuật thưởng thức trà, hương đạo chính là nghệ thuật thưởng thức hương thơm của trầm – một loại hình nghệ thuật độc đáo bắt nguồn từ Nhật Bản rồi lan rộng sang các nước khác ở châu Á và Trung Đông.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, hương đạo bắt đầu được định hình từ đầu thế kỉ 15, song trên thực tế, thú chơi tao nhã này đã bắt nguồn từ rất lâu, từ khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc và Triều Tiên (khoảng thế kỉ 6). Có rất nhiều loại hương liệu để thưởng thức như các loại hoa, lá, trái cây, nhựa cây, khoáng vật và các loại gỗ thơm… song được ưa chuộng nhất vẫn là hương thơm của trầm.

Empty

Ở Việt Nam, trầm hương được coi là một loại hương liệu thiêng liêng do bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa: Nữ thần Thiên Y A Na – một vị nữ thần cao quý của người Chăm thường hay dạo chơi trong những cánh rừng sâu, hương thơm của bà toả ra, quyện vào cây trầm, nên về sau gỗ trầm vẫn còn vương vấn mãi “mùi hương thần thoại”.

Trầm hương được lấy từ cây trầm, trầm gió hay dó bầu, phân bố nhiều ở các cánh rừng miền Trung Việt Nam và các nước như Lào, Ấn Độ… Loại trầm thường thấy ở nước ta là do cây dó bầu bị sâu bệnh, tiết ra nhựa để bao bọc “vết thương”; nhựa này đông cứng lại rồi qua nhiều năm trở thành trầm. Trầm hương khai thác ở các khu rừng rậm thuộc các tỉnh miền Trung Việt Nam có chất lượng rất tốt, nổi tiếng khắp thế giới, đặc biệt là loại trầm “kỳ nam”.

Empty

Cung đình nhà Nguyễn đã từng ghi chép lại: trầm hương tích tụ khí thiêng của đất trời, có tác dụng tẩy trừ mọi ô uế trong không gian, giáng khí trừ đàm, chữa các bệnh thuộc phế phủ, bệnh tiêu hoá, bài tiết, thận và tim mạch, chính là thứ trân quý nhất. Có lẽ bởi lý do này, từ xa xưa, trầm đã được coi là “vua của các mùi hương”. Từ hàng ngàn năm nay, trầm hương đã được sử dụng để xông trong các cung điện vua chúa hay những nơi linh thiêng, trong các nghi lễ của Phật giáo…

Mùi hương của sự thanh tịnh

Trong thiên nhiên có rất nhiều loài thực vật có tinh dầu, có thể phát tán hương thơm trong không gian, nhưng chỉ có trầm là nguồn phát hương không bao giờ cạn, từ lúc còn là cây gỗ trong rừng núi sâu thẳm cho đến khi được đem đi chế tác và lưu giữ. Hương trầm bao hàm đủ ngũ vị: ngọt, mặn, chua, cay, đắng và phát ra hơn 170 mùi thơm có thể phân biệt được (riêng kỳ nam có ít tầng hương hơn và không có vị ngọt). Bà Fusako Imaizumi, trưởng phái Hương đạo Shino Nhật Bản cho rằng: “Hương thơm của trầm được chia thành 6 loại, bao gồm 5 vị đến từ 6 nước: hương trầm từ Việt Nam thiên về vị đắng, từ Thái Lan lại thiên ngọt, từ Malacca và Malaysia thì không có vị, từ Bồ Đào Nha thì thiên mặn, từ Indonesia có vị chua và từ Ấn Độ thì có vị cay…”.

Empty

Để thưởng thức hương thơm của trầm, từ rất lâu trước đây, người ta đã phát minh ra một dụng cụ dùng để xông hương, đó là các lư hương bằng đồng, gốm hoặc gỗ. Theo các chuyên gia, một loại trầm thông thường khi cho vào xông hương sẽ có 8 đợt phát hương trong vòng 24h. Mỗi đợt phát hương là một phức hợp mùi vị khác nhau: khi thì vani, khi thì mùi gỗ thông hay mùi xạ hương… Điều lạ lùng hơn cả là trong những thời điểm giống nhau nhưng tại các địa điểm khác nhau, mùi thơm của trầm lại có sự thay đổi. Bởi thế, trầm được xem là “danh hương”, quý giá hơn cả vàng bạc.

So với trà đạo, hương đạo có một vị trí khiêm tốn hơn, được ít người biết tới hơn và cũng kén người thưởng thức hơn bởi tính trừu tượng, vô hình vô ảnh của làn hương và sự khó khăn trong việc ghi nhớ, gọi tên từng mùi vị phức tạp. Hương đạo đòi hỏi người chơi phải có giác quan nhạy bén, tâm hồn tinh tế và thanh tịnh mới có thể cảm nhận và thưởng thức được. Bởi vậy, mặc dù việc thưởng hương chủ yếu phụ thuộc vào khứu giác, nhưng thay vì gọi là “ngửi hương”, những người đam mê hương đạo lại dùng cách gọi là “nghe hương” để biểu thị sự nhạy cảm của các giác quan và sự tinh tế của tâm hồn người chơi.

Thưởng hương cũng là một quá trình cần khổ luyện, trong đó, người chơi phải có tâm hồn trong sáng, yên bình và tình yêu thiên nhiên rộng mở mới có thể “ngộ” được thú chơi này. Để “nghe” trọn vẹn được một cuộc hương, người thưởng thức phải chuẩn bị cả tư thế lẫn tâm thế: dáng ngồi ngay thẳng, thư thái; tay trái giữ chén hương trầm, từ từ nâng lên để ngang tầm mũi; tay phải nhẹ nhàng che hờ trên miệng chén để làn hương mỏng manh trôi qua khoảng không giữa ngón trỏ và ngón cái; rồi chậm rãi hít ba hơi thật sâu. Làn hương trầm thơm qua mũi, ngấm vào những mạch máu, đi qua tim rồi chạm tới đáy sâu tâm hồn.

Người thưởng hương phải đạt được độ tĩnh tại, sâu lắng mới có thể nghe ra chất hương và gọi thành tên của từng mùi vị; từ đó, nương theo làn hương để thanh tẩy mình khỏi những tạp niệm, tận hưởng sự tĩnh lặng, yên bình giữa cuộc sống ồn ào, náo nhiệt.

Vui lòng xem tiếp sau quảng cáo...
Tin cùng chuyên mục
Tin mới