Hải Phòng đề xuất xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn rác/ngày

15:23 24/07/2022

UBND TP.Hải Phòng vừa có đề xuất xây dựng Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng để phát điện với công suất phát điện khoảng 40MW, công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày.

Dự án Nhà máy đốt rác phát điện có công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày dự kiến được xây dựng tại Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ (quận Hải An). Nhà máy được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có công suất xử lý 1.000 tấn rác/ngày, phát khoảng 20 MW điện với tổng mức đầu tư 2.498 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Sau năm 2028, dây chuyền thứ 2 của Nhà máy cùng Nhà máy đốt rác phát điện thứ 2 có thể được xây dựng tại Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) để có thể xử lý được 4.000 tấn rác/ngày.

Theo đó, nhà máy điện đốt rác có ưu điểm tiết kiệm quỹ đất sử dụng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thời gian hoạt động từ 30 – 50 năm. Nếu sử dụng công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến còn có ưu điểm không phải phân loại nguồn rác từ đầu nguồn.

Theo đề án, đến 2025, Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Đình Vũ (giai đoạn 1) có công suất xử lý 1.000 tấn rác thải/ngày có thể sẽ được đầu tư, đi vào hoạt động.

30-1658188904-xu-ly-rac-thai

Đến năm 2050, các nhà máy điện rác cũng như công nghệ xử lý chất thải rắn sẽ được xử lý bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại, không xử lý chất thải rắn bằng công nghệ chôn lấp. (Ảnh minh họa)

Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2050, các nhà máy điện rác cũng như công nghệ xử lý chất thải rắn sẽ được xử lý bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại, không xử lý chất thải rắn bằng công nghệ chôn lấp.

Mỗi ngày, Hải Phòng phải xử lý khoảng gần 2.000 tấn rác thải, trong đó, rác thải đô thị là hơn 1100 tấn; rác thải ở khu vực nông thôn hơn 600 tấn. Còn lại là chất thải rắn công nghiệp; nông nghiệp; xây dựng; chất thải y tế nguy hại. Theo thời gian, khối lượng rác thải ngày càng tăng mà các cơ sở xử lý không theo kịp.

Theo tính toán của Hải Phòng, từ nay đến 2025, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng hơn 1.700 tấn rác/ngày. Giai đoạn 2026 - 2027 lượng rác thải phát sinh khoảng 2.600 tấn rác/ngày. Giai đoạn 2028 - 2030, lượng rác thải trên địa bản Hải Phòng phát sinh khoảng 3.600 tấn rác/ngày.

Xử lý rác thải còn nhiều bất cập

Thực tế, hiện nay, tại Hải Phòng, việc xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế, chủ yếu là công nghệ chôn lấp vệ sinh tại đô thị và chôn lấp tại các bãi rác tại nông thôn.

Mặt khác, tình trạng xả chất thải rắn không đúng nơi quy định vẫn còn diễn biến phức tạp, gây ô nhiễm, làm suy giảm chất lượng môi trường đất, nước, không khí.

Trong khi đó, công tác quản lý, kiểm soát chất thải đặc thù còn nhiều hạn chế, với việc gia tăng dân số và sự phát triển kinh tế thì chất thải rắn phát sinh ngày càng lớn về số lượng, đa dạng về chủng loại sẽ tiếp tục gây áp lực đến công tác xử lý rác thải.

Theo khảo sát của Sở TN&MT Hải Phòng, hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh tại 8 huyện khoảng 822 tấn/ngày, nhưng tại các địa phương tổng cộng mới có 972 tổ thu gom của các thôn, xóm, khu dân cư đảm nhiệm và chỉ thu gom được khoảng khoảng 802 tấn/ngày.

Còn về xử lý rác thải vẫn còn nhiều bất cập, cơ bản vẫn xử lý bằng cách chôn lấp, ngoài huyện An Dương được Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng thu gom, xử lý tại khu xử lý chất thải Đình Vũ và huyện Thủy Nguyên, có một số xã được thu gom xử lý tại khu xử lý chất thải Minh Tân, khu xử lý rác thải Đình Vũ, Tràng Cát thì các huyện còn lại xử lý tại các bãi rác tạm.

Hải Phòng hiện có 2 khu xử lý chất thải sinh hoạt với công suất xử lý từ 850 - 1.100 tấn rác thải/ngày. Lượng rác thải sinh hoạt của hầu khắp các huyện ngoại thành vẫn được xử lý tại các bãi chôn lấp rác tạm, lò đốt quy mô nhỏ.

Bởi vậy, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt đang đặt ra những thử thách cho Hải Phòng. Trong khi đó, việc xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt được xác định có những lợi thế như tỷ lệ chất thải sau khi đốt thấp, tiết kiệm quỹ đất sử dụng, có nguồn thu bù vào chi phí xử lý rác... Từ những đánh giá này, UBND TP.Hải Phòng đề xuất lựa chọn công nghệ đốt rác phát điện để xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt.

Bên cạnh đó, chất thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp như: vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, chất thải từ các làng nghề được xử lý đạt tỷ lệ rất thấp, gần như chưa được xử lý.

Do đó, nếu đề án được duyệt, những vấn đề nhức nhối liên quan đến rác thải nông thôn, rác thải công nghiệp,… tồn tại nhức nhối nhiều năm nay tại thành phố cảng có nhiều triển vọng được giải quyết triệt để.

Ngoài nhà máy điện đốt rác tại quận Hải An, trước đó, để xử lý rác thải tại các huyện, TP.Hải Phòng cũng nghiên cứu xây dựng nhà máy đốt rác phát điện và dây chuyền sản xuất phân bón, dây chuyền tái chế tại xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo. Nhà máy này có quy mô công suất là 1.000 tấn/ngày, công suất phát điện khoảng 20 MW; sẽ xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn các quận, huyện: Kiến An, Đồ Sơn, Dương Kinh, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy và các khu vực lân cận. Nhà máy cũng có dây chuyền sản xuất phân bón, dây chuyền tái chế với quy mô công suất 200 tấn/ngày.

Theo lộ trình phát triển đô thị đến năm 2025, TP.Hải Phòng phấn đấu 100% chất thải rắn nguy hại được thu gom, xử lý; 97% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý hợp vệ sinh giảm dần tỷ lệ chôn lấp trực tiếp; giảm 50% khối lượng nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại; 90 - 95% các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tại các đô thị đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất.

TP.Hải Phòng cũng phấn đấu tới năm 2050, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Vui lòng xem tiếp sau quảng cáo...
Tin cùng chuyên mục
Tin mới