Năm 2021 được cho là một năm tươi sáng của thị trường tiền điện tử. Bitcoin - đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã có mức tăng trưởng gần 70%, đưa giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền ảo lên 2.000 tỷ USD.
Không chỉ Bitcoin khởi sắc, 2021 cũng là năm chứng kiến công ty tiền điện tử lớn đầu tiên là Coinbase ra mắt công chúng vào tháng 4. Các ngân hàng phố Wall như Goldman Sachs tham gia nhiều hơn vào thị trường tiền số và quỹ ETF Bitcoin đầu tiên cũng ra đời.
Tuy nhiên, các quy định giám sát chặt chẽ về quy định và biến động giá gần đây đã làm giảm triển vọng của Bitcoin. Các chuyên gia cảnh báo, thị trường tiền ảo có thể đang tiến tới một đợt suy thoái.
CNBC mới đây đã tổng hợp dự đoán về thị trường tiền điện tử năm 2022 của các chuyên gia trong ngành để giúp giới đầu tư có cái nhìn tổng quan hơn về tiền ảo.
Giá Bitcoin có thể sẽ lao dốc trong năm 2022
Một số chuyên gia tin rằng, Bitcoin sẽ giảm mạnh trong vài tháng tới. Đồng tiền điện tử này đã tăng lên mức cao kỷ lục gần 69.000 USD vào tháng 11 nhưng nay đồng Bitcoin đang giao dịch ở khoảng 50.000 USD, giảm gần 30%.
Carol Alexander, giáo sư tài chính tại Đại học Sussex, dự đoán Bitcoin có thể giảm xuống mức thấp nhất là 10.000 USD vào năm 2022, xoá sạch hoàn toàn "thành quả" mà đồng tiền này gây dựng trong năm qua.
Quan điểm này của bà Carol được đưa ra dựa trên việc xét thấy Bitcoin “không có giá trị cơ bản thực sự” và chỉ đóng vai trò như "món đồ chơi" hơn là một khoản đầu tư.
Bà Alexander cảnh báo về lịch sử lặp lại và chu kỳ thị trường của Bitcoin. Vào năm 2018, giá Bitcoin đã giảm xuống gần 3.000 USD mặc dù đã chinh phục mốc 20.000 USD vài tháng trước đó.
Tuy nhiên, một số người ủng hộ tiền điện tử không đồng tình với quan điểm này. Bởi hiện tại có nhiều nhà đầu tư và tổ chức tham gia vào thị trường tiền điện tử, nên việc Bitcoin sụt giá quá mạnh sẽ khó xảy ra.
Giá Bitcoin dự báo có thể sẽ lao dốc trong năm 2022
Ông Todd Lowenstein, Giám đốc chiến lược vốn chủ sở hữu của chi nhánh ngân hàng tư nhân của Union Bank cũng không mấy lạc quan về đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới. Ông một số nhà đầu tư đang coi Bitcoin là hàng rào chống lạm phát. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường tiền điện tử đang được định giá cao quá mức.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng tiền số sẽ lao dốc năm 2022. Cũng có nhà đầu tư tin rằng, Bitcoin có thể đạt mức tăng lên 100.000 USD trong năm tới.
Quỹ Spot Bitcoin ETF đầu tiên ra đời
Một bước tiến lớn mà các nhà đầu tư tiền số sẽ dõi theo năm 2022 là sự chấp thuận của quỹ hoán đổi danh mục (ETF) Bitcoin giao ngay đầu tiên ở Mỹ. Măch dù Uỷ ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã "bật đèn xanh" cho việc ra mắt ETF Bitcoin của ProShares năm nay, nhưng sản phẩm lại thiên về việc theo dõi hợp đồng tương lai Bitcoin.
Các chuyên gia cho rằng, hợp đồng tương lai Bitcoin có thể quá rủi ro đối với các nhà đầu tư mới. Vijay Ayyar, Phó chủ tịch phụ trách phát triển doanh nghiệp và mở rộng toàn cầu của sàn tiền số Luno nhận định, ETF Bitcoin ra mắt năm nay được nhiều người đánh giá là không thật thân thiện với nhà đầu tư nhỏ lẻ, do chi phí cao liên quan đến việc luân chuyển các hợp đồng lên tới khoảng 5-10%.
"Có nhiều bằng chứng cho thấy một quỹ ETF Bitcoin Spot sẽ chính thức được phê duyệt vào năm 2022, sau khi thị trường tiền điện tử đã đủ lớn mạnh”, ông Vijay Ayyar nhận định.
Trước đó, Grayscale Investments đã đệ trình để chuyển đổi quỹ Bitcoin lớn nhất thế giới thành một quỹ ETF Bitcoin giao ngay. Ngoài ra, còn rất nhiều ứng dụng ETF Bitcoin khác cũng đang chờ đợi để được cấp phép hoạt động.
Tài chính phi tập trung (DeFi) lên ngôi
Khi ngành công nghiệp tiền số phát triển, thị phần của Bitcoin sẽ giảm dần, các loại tiền khác như Ethereum dần đóng vai trò lớn hơn. Đây là điều mà các nhà phân tích dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới khi giới đầu tư ngày càng tìm đến tiền số nhỏ hơn, với hy vọng thu được lợi nhuận lớn.
Giáo sư Alexander của Đại học Sussex đã liệt kê Ethereum, Solana, Polkadot và Cardano là những đồng tiền đáng theo dõi vào năm 2022. "Khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu nhận ra nguy cơ từ việc giao dịch Bitcoin, họ sẽ chuyển sang các đồng tiền khác thực sự đóng một vai trò thiết yếu và cơ bản trong tài chính phi tập trung", bà nói.
Cùng với đó, bà Alexander dự báo thời điểm này năm sau, vốn hóa của Bitcoin ó thể sẽ chỉ bằng một nửa hoặc thậm chí ít hơn tổng giá trị các đồng tiền hợp đồng thông minh (smart contract coin), như Ethereum và Solana, cộng lại.
Bryan Gross, quản lý mạng tại nền tảng tiền điện tử ICHI cho biết, tài chính phi tập trung (DeFi) và tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) có khả năng là lĩnh vực tăng trưởng cao nhất của tiền số vào năm sau. DeFi tái tạo sản phẩm tài chính truyền thống mà không có trung gian, trong khi DAO có thể được coi là một cộng đồng Internet mới.
Tổng tiền gửi vào các dịch vụ DeFi lần đầu tiên vượt 200 tỷ USD trong năm nay. Các chuyên gia dự báo nhu cầu sẽ tăng hơn nữa vào năm 2022.
Là một năm trọng đại trên mặt trận pháp lý
Giới chức nhiều nước đã tăng cường quản lý tiền số trong năm nay. Trong đó, Trung Quốc đã cấm hoàn toàn tất cả các hoạt động liên quan đến lĩnh vực này hay việc một số cơ quan chức năng của Mỹ đã siết chặt một số quy định trên thị trường.
Các nhà quản lý có thể tập trung vào stablecoin năm tới.
Các nhà phân tích dự kiến năm 2022 sẽ xuất hiện nhiều quy định hơn nữa đối với thị trường tiền ảo. "2022 sẽ là một năm quan trọng trên mặt trận pháp lý", Ayyar nói. Ông hy vọng sẽ thấy những vùng xám hợp pháp của tiền số, ngoài Bitcoin và Ethereum, được làm rõ.
Ngoài ra, ông Ayyar cũng kỳ vọng chính phủ Mỹ có thể làm rõ về “vùng xám” hợp pháp của các loại tiền điện tử khác ngoài Bitcoin ethereum, mà SEC đã nhận định là không phải là chứng khoán.
Một lĩnh vực quan trọng khác mà các nhà quản lý có thể sẽ tập trung vào năm tới là stablecoin. Đây là những tiền số có giá trị gắn liền với giá của các tài sản hiện có như USD. Tether, stablecoin lớn nhất thế giới, đặc biệt gây tranh cãi vì những lo ngại về việc liệu nó có đủ tài sản đảm bảo cho việc neo giá với đồng USD hay không.
Chắc chắn sẽ có nhiều sự giám sát kỹ lưỡng hơn đối với các đồng tiền ổn định khi các cơ quan quản lý xem xét tính hợp lý của tài sản thế chấp cơ bản và số lượng đòn bẩy được triển khai", Lowenstein nói.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý cũng đã bắt đầu xem xét kỹ lưỡng không gian DeFi. Đầu tháng này, nhóm bảo trợ của ngân hàng trung ương, Ngân hàng thanh toán quốc tế đã kêu gọi thiết lập quy định cho DeFi do lo ngại tính hợp pháp và xác thực trước sự xuất hiện của các dịch vụ tự tiếp thị là “phi tập trung”.