Hành động cụ thể khôi phục niềm tin cho thị trường trái phiếu

11:40 16/12/2022

Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, bao gồm thị trường trái phiếu đang được khôi phục nhờ các chính sách quyết liệt và hàng loạt hành động cụ thể. Đặc biệt khi các cấp quản lý khẳng định quyền lợi nhà đầu tư là ưu tiên hàng đầu cùng với ổn định và phát triển thị trường.

Ngày 6/12, chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố. Đây là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, bộ ngành, địa phương và nỗ lực của doanh nghiệp.

Riêng thị trường trái phiếu, người đứng đầu chính phủ đánh giá, thị trường tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng đã định hình được các công việc để cùng làm với doanh nghiệp và nhà đầu tư với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Ngoài ra, các cơ quan cũng làm việc với các doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe các kiến nghị.

Trước đó, trong buổi họp ngày đầu tiên tháng 12, đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, quyền lợi hợp pháp nhà đầu tư trái phiếu sẽ được bảo vệ trong mọi hoàn cảnh, nhiều hành động đang được triển khai để làm lành mạnh thị trường.

Trước hết là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, Bộ Tài chính đang thúc đẩy sửa đổi Nghị định 65/2022 ngày 16/9/2022 để sớm trình Chính phủ ban hành để đảm bảo yêu cầu kịp thời tăng cường tính công khai minh bạch của thị trường, xử lý các vấn đề bất cập và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và tạo điều kiện để thị trường trái phiếu phát triển.

Diễn biến thị trường sẽ được cơ quan chức năng rà soát ngay và liên tục. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ bổ sung, thay đổi, giúp thị trường vận hành bình thường trở lại.

Ngày 23/11, Bộ Tài chính đã làm việc với các doanh nghiệp có quy mô phát hành lớn, sắp đáo hạn. Các kiến nghị tập trung là khôi phục sớm niềm tin thị trường, tháo gỡ khó khăn trong thanh khoản và tín dụng của doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị phát hành trái phiếu ưu tiên chủ động thỏa thuận với nhà đầu tư. Trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của doanh nghiệp phải bằng mọi cách thực hiện hết khả năng; chủ động cung cấp thông tin theo quy định, thuê tư vấn kiểm toán độc lập, định giá và xác định giá trị, công bố công khai để nhà đầu tư có phương án đầu tư.

Với định hướng chỉ đạo của Chính phủ và các cấp quản lý, các đơn vị phát hành trái phiếu, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản thực hiện hàng loạt hành động cụ thể. Điều này cho thấy nỗ lực của doanh nghiệp để khơi thông dòng tiền, đảm bảo quyền lợi và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Giải pháp quan trọng được doanh nghiệp phát hành trái phiếu áp dụng là cơ cấu lại nợ cho phù hợp, thỏa thuận với nhà đầu tư để chuyển nợ thành vốn cổ phần hoặc chuyển nợ thành sản phẩm với giá chiết khấu cao. Khi đó nhà đầu tư có thể mua cổ phần hay tài sản, bất động sản với giá tốt hơn so với giá thị trường, giúp doanh nghiệp cơ cấu lại nợ trong thời điểm hiện tại.

Dễ thấy nhiều chủ đầu tư đã thỏa thuận trái chủ chuyển nợ sang sản phẩm tại dự án với mức chiết khấu lên tới 30-40%, thậm chí 50%. Giải pháp chuyển đổi này được nhiều trái chủ đón nhận vì tiềm năng bật tăng của thị trường bất động sản khi khó khăn đi qua.

Các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cấu trúc theo hướng tinh giản các ngành nghề chưa cần thiết, điều chỉnh lại chiến lược, tái cấu trúc toàn diện. Tại thời điểm này, một số doanh nghiệp coi thu xếp nguồn vốn, tập trung nguồn lực tối đa để hoàn thiện các dự án trọng điểm đang triển khai là nhiệm vụ trọng tâm.

Phương án các doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu quốc tế cũng được giới chuyên gia nhắc đến với những lưu ý đặc biệt về tỷ giá.

Mặt khác, theo các chuyên gia, để đảm bảo quyền lợi tối đa và đặt niềm tin đúng chỗ, nhà đầu tư càng phải giữ "cái đầu lạnh" trong bối cảnh nhiều thách thức. Tỉnh táo trước các tin đồn – vốn đầy rẫy và cơ quan quản lý đang không ngừng nghiêm khắc xử lý, nhìn sâu vào "sức khoẻ" của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và quan sát chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ là kiềng ba chân vững chắc cho quyền lợi của nhà đầu tư. Bán tháo, bán sớm… bất chấp doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang hoạt động trơn tru, hiệu quả… chỉ vì tâm lý sợ hãi sẽ gây ra thiệt hại đáng tiếc cho chính nhà đầu tư.

Về mặt vĩ mô, kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi mạnh mẽ ở hầu hết lĩnh vực, địa phương. Tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 8%, trong khi lạm phát bình quân tăng hơn 3%, xuất khẩu tăng khoảng 12%, tiêu dùng cuối cùng tăng trên 10%, đầu tư tăng khoảng 9%...

Tất cả các hành động liên tiếp đang gia cố mạnh mẽ lòng tin của nhà đầu tư nhằm ổn định thị trường trái phiếu – kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp trong những ngày cuối cùng của năm.

Vui lòng xem tiếp sau quảng cáo...
Tin cùng chuyên mục
Tin mới