Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đã ban hành Quyết định số 177/QĐ-NHNN ngày 08/02/2023 về việc chấp thuận điều chỉnh mức vốn điều lệ trên Giấy phép hoạt động của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) từ 19.809 tỷ đồng lên gần 20.403 tỷ đồng.
Việc tăng vốn điều lệ thêm 594 tỷ đồng được thực hiện thông qua hình thức phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP) năm 2022 đã được Đại hội đồng cổ đông của SeABank thông qua.
Theo Chương trình ESOP năm 2022 của SeABank, gần 2.500 cán bộ nhân viên (CBNV) của Ngân hàng được mua cổ phiếu mức giá ưu đãi 15.000 đồng/cổ phiếu. Đây là chương trình phúc lợi được SeABank thực hiện định kỳ trong nhiều năm, nhằm tri ân những đóng góp của CBNV và gắn kết lợi ích của các CBNV với sự phát triển của Ngân hàng.
Kết thúc năm 2022, tính đến hết 31/12/2022 tổng tài sản SeABank ghi nhận đạt 231.423 tỷ đồng, tăng 9,34% so với năm 2021. Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) lần lượt là 1,83% và 18,1% qua đó cho thấy hiệu quả hoạt động của SeABank nằm trong top cao của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, nhờ kiểm soát hiệu quả thu chi, tích cực xử lý nợ xấu và tăng cương quản trị rủi ro nên tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của ngân hàng tiếp tục giảm xuống 35,3% và tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1,60%.
Đặc biệt, thu thuần ngoài lãi (NOII) tăng trưởng ấn tượng 43% so với năm 2021, đạt 2.641 tỷ đồng, chiếm 12,7% tổng doanh thu của Ngân hàng. Việc tăng trưởng NOII cho thấy hiệu quả hoạt động ổn định và bên vững của SeABank nhờ việc đa dạng hóa cấu trúc sản phẩm, phát triển ngân hàng số cũng như các dịch vụ phi tín dụng, đồng thời khai thác hiệu quả tệp khách hàng hiện hữu và phát triển mạng lưới khách hàng mới trên thị trường.
Kết quả, SeABank đạt lợi nhuận trước thuế gần 5.069 tỷ đồng, hoàn thành 104% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Theo chia sẻ của lãnh đạo SeABank, năm qua, trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế có nhiều biến động, SeABank đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp kinh doanh, gia tăng nguồn thu từ phí dịch vụ và phi tín dụng, kiểm soát hiệu quả chi phí đồng thời triển khai nhiều chương trình giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng và quản trị rủi ro hiệu quả... giúp Ngân hàng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022,
Bên cạnh đó, năm 2022 SeABank cũng hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 19.809 tỷ đồng và đang trong lộ trình tăng vốn lên 20.403 tỷ đồng, một phần thông qua chương trình ESOP cho hơn 2.500 cán bộ nhân viên có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Ngân hàng.
Năm 2022, SeABank còn triển khai áp dụng tiêu chuẩn quản trị rủi ro Basel III, áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) và được Moody’s xếp hạng Ba3 cho nhiều danh mục. Đồng thời, Ngân hàng cũng thành công mở rộng các cơ hội hợp tác, đầu tư quốc tế và thu hút nhiều khoản đầu tư, gói tín dụng với tổng giá trị lên tới 500 triệu USD từ Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và các quỹ đầu tư quốc tế để nâng cao năng lực tài chính, gia tăng nguồn vốn hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hỗ trợ tín dụng xanh.
Chiến lược “Hội tụ số” đang được SeABank đẩy mạnh cũng đã đem lại nhiều hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng. Năm 2022 tăng trưởng người dùng ebank của SeABank cũng tăng tốt với gần 1 triệu user mở mới.
Trong năm 2022, SeABank còn mở rộng mạng lưới hoạt động, nâng cấp cơ sở vật chất các điểm giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch của ngân hàng lên 180 điểm tại 31 tỉnh thành trên toàn quốc.