Thị trường kho lạnh Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 12%/năm và đạt quy mô thị trường 295 triệu USD năm 2025. Đây là nhận định được bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đưa ra trong báo cáo mới đây.
Cụ thể, báo cáo của C&W chỉ ra, chuỗi cung ứng lạnh ở Việt Nam hiện vẫn còn khá non trẻ, đạt khoảng 169 triệu USD năm 2019.
Trong bối cảnh ngành kho lạnh bùng nổ để phục vụ nhu cầu phân phối vaccine cũng như tăng trưởng trong chế biến thủy sản và nhu cầu tiêu dùng, dự kiến quy mô thị trường này đạt mốc 295 triệu USD năm 2025, tức là tăng trưởng khoảng 12% hàng năm.
Kho lạnh nhìn chung tập trung thành cụm, hầu hết trong các khu công nghiệp hoặc trong cảng sông, cảng biển. Hai nhánh chính của thị trường trong nước là kho lạnh thương mại và kho lạnh tự vận hành.
So với khu vực phía Bắc, thị trường kho lạnh phát triển hơn ở phía Nam, phần lớn là do sự phát triển của ngành thủy sản và nông nghiệp; trong đó, tỉnh Long An tập trung nhiều kho lạnh do được kết nối chặt chẽ với vựa nông sản là Đồng bằng sông Cửu Long và có vị trí kề cận TP HCM.
Hiện kho lạnh có giá thuê cao hơn nhiều so với các loại kho khô thông thường, có thể dao động từ 50% đến 100% hoặc thậm chí cao hơn nữa tùy thuộc vào loại thiết bị bảo quản lạnh (ướp lạnh hoặc tủ đông).
Giá thuê kho cho sản phẩm ướp lạnh và đông lạnh dao động từ 45 - 90 USD/m2; giá thuê bảo quản dược phẩm từ 45 - 160 USD/m2. Trong khi đó, giá thuê pallet rơi vào khoảng 16.000 - 30.000 đống/tấm/ngày.
Theo Cushman & Wakefield, các doanh nghiệp trong ngành cạnh tranh trên nhiều tiêu chí gồm sức chứa kho bãi, số lượng tấm pallet, đội xe tải cải tiến và chuyên dụng, phạm vi nhiệt độ, mạng lưới kho bãi và vị trí.
"Do sự khan hiếm về từng loại kho lạnh chuyên biệt, nhu cầu có thể vượt cung, nên khả năng tăng giá sẽ cao hơn", bà Trang cho biết.
Theo vị Tổng Giám Đốc của Cushman & Wakefield Việt Nam, chi phí đầu tư vào trang thiết bị kho lạnh ngày càng tốn kém do chi phí lắp đặt vật liệu cách nhiệt và máy móc, nhưng giá thuê cao lại là động lực mạnh mẽ để các chủ đầu tư sẵn sàng xây dựng các dự án.
Các nhà đầu tư và chủ tài sản cũng có thể cân nhắc phương án chuyển đổi kho thông thường thành kho lạnh để khai thác phần chênh lệch phí thuê.
Chuyên gia Cushman & Wakefield cũng dự báo, thời gian tới sẽ có nhiều thương vụ M&A diễn ra, các nhà đầu tư sẽ tham gia thị trường ở giai đoạn đầu trước khi loại tài sản này trở nên phổ biến sẽ thu được lợi nhuận vốn cao hơn.
Dù vậy, chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách để tiến lên giai đoạn tiếp theo, và thậm chí đi trước các nước khác. Trong trung và dài hạn, phát triển cơ sở hạ tầng là chìa khóa để tăng nguồn cung chuỗi lạnh, bao gồm các trung tâm kho vận chuyên biệt, kết nối đa phương thức.
Bên cạnh đó, quy trình giao thương xuyên biên giới của Việt Nam bao gồm cả thời gian và chi phí vẫn còn cần nhiều cải tiến đáng kể. Chi phí giao dịch qua biên giới, bao gồm chi phí tuân thủ tài liệu thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu vẫn đang kém cạnh tranh hơn so với hầu hết các nước trong khu vực.
Chuỗi cung ứng lạnh là một quá trình bảo quản sản phẩm tại mức nhiệt độ thấp trong suốt chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ. Kho vận lạnh liên quan đến việc sử dụng các kho bảo quản lạnh và các phương tiện vận tải cách nhiệt để phân phối hàng hóa. Các phương tiện vận tải này bao gồm xe tải, tàu hỏa, tàu thủy và máy bay có khoang đông lạnh.
Các loại kho lạnh chính bao gồm kho đông lạnh, kho làm lạnh và kho làm mát, có phạm vi nhiệt độ khác nhau. Nhiệt độ kho đông lạnh thường yêu cầu từ -40 độ C đến -10 độ C, kho làm lạnh thường từ -5 độ C đến 10 độ C và kho làm mát dao động từ 3-15 độ C.
Nguồn cung của chuỗi cung ứng lạnh cho nông nghiệp có ba kênh chính bao gồm thực phẩm chế biến nhập khẩu, thủy sản và rau quả ướp lạnh tại thị trường nội địa.Khác với các loại kho khô thông thường, kho lạnh cần có thêm trang bị cách nhiệt và bộ phận cơ học để duy trì nhiệt độ, độ ẩm trong kho ở mức thấp. Điều đó có nghĩa rằng kho lạnh cần nguồn cấp điện ổn định để tránh tình trạng hàng hóa bị hư hỏng.