Nỗ lực đầu tiên của Facebook để thoát khỏi bãi lầy pháp lý

10:14 14/10/2021

Cáo buộc “đặt lợi nhuận lên trên an toàn” của cựu nhân viên Frances Haugen trước Thượng viện Mỹ ngày 5/10 vừa qua là đòn giáng nặng nề đối với tập đoàn công nghệ Facebook. Facebook còn rất nhiều việc phải làm để có thể tồn tại một cách bền vững, đầu tiên là việc ổn định nội bộ.

Ngày 5/10, bà Francis Haugen, cựu quản lý sản phẩm trong đội kiểm soát liêm chính (civic’s integrity team) của Facebook xuất hiện trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, cáo buộc ban lãnh đạo Facebook biết cách để làm hai nền tảng mạng xã hội là Facebook và Instagram trở nên an toàn hơn cho người dùng, nhưng không thực hiện thay đổi vì lo ngại đến lợi nhuận của công ty.

Empty

Cáo buộc “đặt lợi nhuận lên trên an toàn của người dùng” (profits before safety) của bà Haugen không chỉ dấy lên các đợt sóng phản đối ở phe lập pháp hay trong cộng đồng mạng, mà còn là nguyên nhân gây chia rẽ nội bộ tại chính Facebook.

Một bộ phận nhân viên coi bà Haugen là “người hùng” và cho rằng bà đã “nói ra những điều nhiều người ở đây đề cập nhiều năm trời” và rằng “công ty nên lắng nghe” bà. Tuy nhiên, một số khác cho rằng bà Haugen không đủ kiến thức chuyên môn để đưa ra kết luận, thậm chí cho rằng bà có động cơ cá nhân trả thù Facebook vì công ty đã không cho phép bà tiếp tục làm việc từ xa tại Puerto Rico. Có người còn cho rằng bà Francis Haugen cần chấm dứt ngay lập tức hành động cáo buộc và phải bị kiện vì vi phạm thảo thuận bảo mật với công ty.

Ổn định nội bộ

Trước những tranh cãi nội bộ nảy sinh sau phiên điều trần ngày 5/10, tuần trước Facebook đã chính thức có buổi đối thoại trực tiếp (Q&A) với toàn thể nhân viên công ty. CEO Mark Zuckerberg dành ra khoảng 20 phút thảo luận với nhân viên về “người tiết lộ” (whistle blower), lời làm chứng trước Quốc hội và phản ứng của báo chí, hoàn toàn không đề cập tên bà Haugen, theo băng ghi âm buổi họp mà tờ The New York Times thu thập được.

Bên cạnh đó, ban giám đốc còn tiến hành các cuộc họp nội bộ trực tiếp với nhân viên, tổ chức nhiều buổi họp khẩn và gửi đi vô số bản ghi nhớ, theo tờ NYT. Lãnh đạo công ty cũng cung cấp thông tin để nhân viên trả lời khi họ được bạn bè và gia đình “đặt câu hỏi về các sự kiện gần đây”. “Vì rất nhiều thông tin về Facebook là sai lệch, chúng tôi cho rằng điều quan trọng là phải cung cấp cho nhân viên của chúng tôi sự thật”, theo Andy Stone, một phát ngôn viên của công ty cho biết.

Bộ phận truyền thông nội bộ của Facebook cũng đã ban hành chỉ thị yêu cầu các nhân viên không được miệt thị bà Haugen. “Chúng tôi ngày càng nghe nhiều về việc phóng viên yêu cầu thảo luận về Frances Haugen và cảm nhận của mọi người về cô ấy. VUI LÒNG KHÔNG tham gia vào những cuộc trò chuyện này”, Andrea Saul, giám đốc truyền thông chính sách tại Facebook viết trong một bản ghi nhớ gửi nhân viên. “Chê bai cá nhân là không đúng, điều đó không được phép và không phải là giá trị của công ty chúng ta,” bà Saul viết.

Mặc dù trước đó lãnh đạo tập đoàn đã công khai sự nghi ngờ về mức độ uy tín của bà Haugen cũng như phủ nhận cáo buộc của bà, các động thái chủ động xoa dịu lo lắng của nhân viên được coi là bước đi khác biệt với văn hóa “phớt lờ nhân viên” từ trước đến nay tại Facebook.

Lời trấn an từ CEO

Trước Frances Haugen, một số nhân viên khác cũng từng lên tiếng yêu cầu sửa đổi cách thức hoạt động của mạng xã hội hàng đầu này, nhưng hầu hết thất bại và rời đi, trong đó có Brian Waismeyer, người cũng từng trong bộ phận kiểm soát liêm chính của Facebook và nghỉ việc hồi tháng Ba. Nhiều phàn nàn khác về nỗ lực cải thiện Facebook để nền tảng trở nên tốt đẹp hơn nhưng bị lãnh đạo gạt đi, được cựu nhân viên ghi lại trên bảng tin Workplace của công ty.

 “Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến các vấn đề như an toàn, hạnh phúc và sức khỏe tâm thần. Vì vậy, khi các bạn thấy báo chí chỉ đưa tin xuyên tạc về công việc của chúng tôi, đưa nó ra khỏi ngữ cảnh và sau đó kể những câu chuyện sai sự thật về động cơ của chúng tôi, các bạn sẽ thấy điều đó thực sự khó khăn và đáng thất vọng”, Mark Zuckerberg trấn an với nhân viên về mục tiêu của Facebook trong buổi đối thoại tuần trước. Ông cũng cho rằng Facebook đã chi nhiều cho nghiên cứu và an toàn hơn các công ty như Google, Apple và Microsoft.

Bên cạnh đó, ông đảm bảo với các nhân viên rằng Facebook cuối cùng sẽ ra khỏi được khó khăn trước mắt và trở nên tốt đẹp hơn trước. “Con đường đi về lâu dài không suôn sẻ, phải không? Ông Zuckerberg nói. “Bạn biết đấy, đôi khi, bạn gặp cản trở”.

Thậm chí, bà Francis Haugen, trước khi trả lời những câu hỏi chất vấn trước Thượng viện Mỹ, cũng nói rằng bà “tin tưởng vào những triển vọng của Facebook” và công ty “có thể thay đổi để trở nên tốt hơn”.

Quá lớn để tự chỉnh sửa

Những thay đổi tự thân của Facebook rất đáng mong đợi. Tuy nhiên, nhiều kinh nghiệm trước đó có vẻ như dẫn đến đồng thuận rằng công ty đã vượt qua ngưỡng tự sửa đổi mình. 17 năm đầy tranh cãi đủ để chứng minh Facebook cần được kiểm soát chặt chẽ hơn. Mọi chấn chỉnh chỉ có thể được thực hiện tại Quốc hội Mỹ và những chính phủ khác nhằm hạn chế xu hướng công ty tiếp tục cho phép các nội dung phá hoại nền dân chủ và gây hại cho các cá nhân.

Trong bài chia tay của mình trên Workplace, ông Waismeyer viết rằng những người làm việc trong bộ phận kiểm soát liêm chính phải đối mặt với những gánh nặng đặc biệt. Giá trị công việc của họ luôn được mang ra cân nhắc với các rủi ro pháp lý và PR, cũng như liệu nó có làm tổn hại đến lợi nhuận hay làm giảm lượng thời gian mọi người dành cho nền tảng hay không, ông cho biết.

Vui lòng xem tiếp sau quảng cáo...
Tin cùng chuyên mục
Tin mới