Người sáng lập SoftBank - Masayoshi Son không còn là nhà đầu tư vào dự án 34 tỷ USD nhằm xây dựng thủ đô mới của Indonesia trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á chuyển trọng tâm sang các nhà đầu tư Trung Đông và Trung Quốc.
“Không còn câu chuyện nào liên quan đến Masayoshi nữa, ông ấy không còn nằm trong dự án”, Bộ trưởng Điều phối Đầu tư và Các vấn đề Hàng hải Luhut Panjaitan tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn hôm 9 tháng 3.
Bộ trưởng Panjaitan từ chối đưa ra lý do vì sao CEO Son rút lui. Ở phía ngược lại, người phát ngôn Softbank cũng không đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và CEO Softbank Masayoshi Son. Ảnh: Bloomberg.
Hồi tháng 1 năm 2020, đích thân Bộ trưởng Luhut Panjaitan chỉ định ông Son là thành viên ban chỉ đạo giám sát việc xây dựng thủ đô mới, cùng với Thái tử Abu Dhabi Mohammed Bin Zayed Al Nahyan và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.
Đây không phải lần đầu tiên ông Son hỗ trợ các dự án xây dựng hàng tỷ USD do Chính phủ lãnh đạo. Vào năm 2018, SoftBank và Saudi Arabia đã ký một biên bản ghi nhớ để phát triển hệ thống điện mặt trời trị giá 200 tỷ USD, tuy nhiên dự án hiện đang bị đình trệ.
"Quốc gia vạn đảo" đang xây dựng thành phố mới trên một mảnh đất ở tỉnh Đông Kalimantan, cách Jakarta khoảng 1.400 km về phía đông bắc. Ông Panjaitan cho biết chính phủ đã nhận được cam kết khoảng 20 tỷ USD từ Abu Dhabi để giúp tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng ban đầu và có kế hoạch cung cấp nhiều dự án hơn cho các nhà đầu tư khác trong tương lai gần.

Biểu đồ phân bố dân số Indonesia vào năm 2018. Chấm đen trên đảo Kalimantan là nơi xây dựng thủ đô mới. Ảnh: Bloomberg.
Cũng theo ông Panjaitan, các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả Saudi Arabia, Trung Quốc và Abu Dhabi đã bày tỏ sự quan tâm và họ sẽ đầu tư thông qua Quỹ tài sản công Indonesia INA. Kế hoạch là cung cấp các dự án theo khối, chẳng hạn như khối giáo dục, khối bệnh viện và các tòa nhà phi chính phủ khác. Khoảng 5 đến 6 công ty quốc doanh, bao gồm PP Persero và PT Total Bangun Persada cũng tham gia vào việc xây dựng.
Khoảng 5 tỷ USD từ ngân sách nhà nước Indonesia sẽ được sử dụng để xây hầu hết các tòa nhà Chính phủ. Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết nguồn vốn này đến từ quỹ phục hồi kinh tế - một đề án kích thích chi tiêu giúp tái thiết những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tổng thống Joko Widodo muốn chuyển chính quyền về thủ đô mới trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024. Vào tháng 1, Quốc hội Indonesia đã thông qua luật quản lý thủ đô mới, tạo cơ sở pháp lý để dự án tiến hành.